0

Tại sao lại xuất hiện rối loạn lo âu khi mang thai? | Safe and Sound

Khi mang thai, bên cạnh cảm xúc hạnh phúc, vui mừng là nỗi lo lắng về việc chăm sóc con cái, tài chính, công việc,... Trên thực tế, lo âu là cảm xúc có thể bắt gặp ở phụ nữ mang thai - đặc biệt là ở những người lần đầu tiên làm mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ tâm lý khuyến cáo, nếu nỗi lo lắng đó luôn thường trực với mức độ tăng dần và làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống thì rất có thể đây là dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu khi mang thai.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Rối loạn lo âu khi mang thai là gì?

Rối loạn lo âu là một vấn đề tâm lý khiến cho người bệnh thường xuyên cảm thấy lo lắng, bất an về một sự việc, hiện tượng bình thường nào đó hoặc đôi lúc là sự căng thẳng, bất an mà không rõ nguyên nhân. Theo bác sĩ tâm lý, rối loạn lo âu có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào và phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải.

Ảnh 1: Rối loạn lo âu khi mang thai

Rối loạn lo âu khi mang thai sẽ làm cho mẹ bầu luôn trong trạng thái lo lắng, sợ hãi một cách không kiểm soát, chẳng hạn lo rằng không biết con có phát triển tốt không, lo lắng về tương lai sau này của con,... Bác sĩ tâm lý cho biết, một số trường hợp còn có thể kèm theo các triệu chứng như run rẩy, đổ mồ hôi, tim đập nhanh,... Tình trạng này nếu không kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị từ đội ngũ bác sĩ tâm lý thích hợp sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

2. Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu khi mang thai

Theo bác sĩ tâm lý, tình trạng rối loạn lo âu khi mang thai có thể xảy ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy vào hoàn cảnh sống, độ tuổi khi mang thai và cách đối xử của những người xung quanh sẽ tác động đến tình trạng bệnh. Những yếu tố được cho là có liên quan đến chứng rối loạn lo âu khi mang thai bao gồm:

2.1. Thay đổi hormone

Trong quá trình mang thai, hormones trong cơ thể của người mẹ sẽ bị thay đổi, dẫn đến những biến đổi về mặt tâm lý. Bác sĩ tâm lý cũng nhận định rằng, đây có thể là nguyên nhân khiến cho mẹ bầu nhạy cảm hơn, suy nghĩ, cảm xúc cũng sẽ bị tác động và chuyển biến theo một chiều hướng khác. Đây cũng là lý do khiến cho phụ nữ dễ mắc các vấn đề tâm lý trong giai đoạn thai kỳ như trầm cảm khi mang thai hay chứng rối loạn lo âu.

Ảnh 2: Sự thay đổi hormone

Tuy nhiên, bác sĩ tâm lý cho biết tùy theo cách giải quyết và các yếu tố kèm theo mà diễn biến của các triệu chứng này khác nhau. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người trong thai kỳ dù có nhạy cảm, lo lắng hơn bình thường nhưng không phải ai cũng mắc phải rối loạn lo âu khi mang thai.

2.2. Yếu tố môi trường và tác động xung quanh

Khi bà bầu nhạy cảm hơn, chúng ta thường hay “đổ thừa” cho hormone, tuy nhiên, theo bác sĩ tâm lý, sự ảnh hưởng của nội tiết tố chỉ là một phần nhỏ, sự tác động của các vấn đề xung quanh mới là yếu tố gia tăng tình trạng lo âu ở bà bầu. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu khi mang thai bao gồm:

- Mang thai lần đầu: Khi lần đầu mang thai, có quá nhiều thứ khiến mẹ bầu phải lo lắng chẳng hạn như phải chăm sóc con như thế nào, phải ăn uống những gì, phải đi lại thế nào. Điều này khiến mẹ không ngừng suy nghĩ, lo lắng quá độ dẫn đến bệnh.

- Mang thai ngoài ý muốn: Khi phụ nữ mang thai ngoài ý muốn sẽ nảy sinh rất nhiều nỗi lo sợ, hoang mang gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe. Bác sĩ tâm lý cho biết, mẹ bầu còn cảm thấy bất an và dè chừng đối với thái độ của những người xung quanh. Nếu nỗi sợ không được giải toả sẽ khiến mẹ bầu dễ rơi vào trạng thái rối loạn lo âu.

- Tài chính không ổn định: Khi mang thai có hàng loạt các vấn đề liên quan đến tiền bạc như tiền khám thai, tiền sữa bầu, tiền ăn uống, tiền chăm sóc con sau sinh, tiền bỉm sữa,... Điều này khiến mẹ bầu không ngừng suy nghĩ, tính toán, tinh thần kém thoải mái nên dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu.

Ảnh 3: Tài chính không ổn định

- Áp lực từ những người xung quanh: Bác sĩ tâm lý cũng nhận định rằng, những lời nói như “mang thai mà gầy thế, mang thai ăn uống như vậy sao đủ chất cho con lớn, có bầu mà béo quá không phải là tốt”,… sẽ khiến mẹ bầu luôn ám ảnh, lo lắng rằng không biết mình ăn thế này, đi đứng thế kia liệu đã phù hợp chưa. Nỗi lo âu thường trực dần bao phủ hoàn toàn tâm trí khiến bà bầu không hề được nghỉ ngơi. Đây cũng là nguyên nhân gây chứng rối loạn lo âu khi mang thai ở rất nhiều người.

- Nhận thức được trách nhiệm của người mẹ: Theo bác sĩ tâm lý, trách nhiệm thực sự của một người mẹ còn lớn hơn gấp nghìn lần so với sự tưởng tượng hay xem phim hằng ngày. Khi mang thai, người phụ nữ mới dần nhận thức được rằng trách nhiệm ấy như thế nào và điều này không tránh khỏi việc khiến họ lo âu hơn bình thường.

Xem thêm:

Nhận biết bệnh trầm cảm khi mang thai 3 tháng đầu

6 dấu hiệu cảnh báo trầm cảm sau sinh!

: Tại sao lại xuất hiện rối loạn lo âu khi mang thai? | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound